Bài viết
Trang chủ / Bài viết

Ngành Công nghiệp giấy và bột giấy Việt Nam: Tăng trưởng, tiềm năng nhưng còn nhiều bất cập

 

VietTimes -- Ngành công nghiệp giấy và bột giấy là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, tiềm năng, có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm. Tuy nhiên, việc đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ; các chính sách định hướng đầu tư, hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ.

Công nghiệp Giấy Việt Nam tiềm năng nhưng còn nhiều bất cập.

Công nghiệp Giấy Việt Nam tiềm năng nhưng còn nhiều bất cập.

Thông tin tại Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam” sáng nay (21/3), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam(VPPA) cho biết: Tại Việt Nam, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành sản xuất giấy giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế. Những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm.

Theo số liệu tổng hợp chung của VPPA, tổng lượng tiêu dùng giấy các loại tạm tính đạt 4,946 triệu tấn, tăng trưởng 16%; Tổng lượng sản xuất giấy các loại tạm tính đạt 3,674 triệu tấn, tăng trưởng 31,2%; Tổng lượng xuất khẩu giấy các loại đạt 809.250 tấn, tăng trưởng 63%; Tổng trị giá xuất khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt kim ngạch khoảng 1,088 tỷ USD, tăng trưởng 50%; Tổng lượng giấy các loại nhập khẩu đạt lượng 2,081 triệu tấn, tăng trưởng 6%; Tổng trị giá nhập khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt kim ngạch khoảng 2,674 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. Bột giấy các loại nhập khẩu đạt lượng 339.387 tấn, tăng trưởng 8%; Tổng trị giá nhập khẩu đạt kim ngạch 263,368 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2017. Phế liệu giấy nhập khẩu đạt lượng 2,068 triệu tấn, tăng trưởng 66,6%.

Tuy nhiên, số liệu tổng hợp cũng chỉ ra cơ cấu ngành giấy còn khá nhiều bất cập. Với giấy in và viết, năng lực sản xuất không tăng, sản xuất đã đạt tới 97% năng lực, nhưng vẫn phải nhập khẩu tới 483.000 tấn (chủ yếu là giấy in và giấy photocopy chất lượng cao) gấp gần 1,5 lần năng lực sản xuất hiện tại và nhu cầu vẫn tăng trưởng với mức 3%/năm.

Với giấy bao bì, so với năm 2017, năng lực sản xuất loại giấy thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) tăng rất nhanh lên tới 42%, sản xuất cũng tăng tới 37% để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao 20% và xuất khẩu, nhưng cũng chỉ mới sử dụng chưa tới 70% năng lực hiện có. Xuất khẩu tăng tới 99% và đạt kỷ lục 641.000 tấn, nhưng nhập khẩu cũng lần đầu tiên đạt tới con số hơn 1,4 triệu tấn.

Giấy tissue có nhu cầu sử dụng tăng 6%, nhưng xuất khẩu tăng tới 20% so với 2017 cũng là một sản phẩm có triển vọng tăng trưởng tốt.

Đầu tư FDI vào ngành giấy Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 2 năm 2017, 2018 và hiện chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam.

Ngành công nghiệp giấy và bột giấy Việt Nam: Tăng trưởng, tiềm năng nhưng còn nhiều bất cập - ảnh 1
Hành lang pháp lý cho ngành Công nghiệp Giấy còn bất cập

Tuy nhiên, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như chính sách quản lý trong nước còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số dẫn đến sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng lại làm tăng trưởng mạnh mẽ giấy bao bì, hộp giấy (do buôn bán online và giao hàng qua mạng).

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay quy hoạch ngành giấy đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển ngành, các văn bản liên quan chưa rõ ràng cụ thể, cơ sở cho các nhà đầu tư còn thiếu nên các dự án đầu tư trong ngành giấy Việt Nam đang thực hiện đều chưa có các căn cứ và cơ sở pháp lý. Tuy vậy nhưng các dự án đầu tư vẫn diễn ra nên trên thực tế các cơ quan quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương không quản lý được, dẫn đến có sự lệch lạc và mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm và quy mô công suất cho toàn ngành.

Tiến sỹ Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VPPA cho biết, việc đầu tư vào ngành công nghiệp Giấy việt Nam của các doanh nghiệp chưa bài bản, chiến lược đầu tư chưa rõ ràng theo phong trào; đầu tư còn manh mún, không tập trung, quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị cũ; chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 90% số lượng và 60% năng lực sản xuất), năng lực tài chính hạn chế; liên kết doanh nghiệp trong ngành yếu, không hình thành được các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Dự báo năm 2019, tiêu thụ giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 12%; dự kiến xuất khẩu giấy các loại và thành phẩm từ giấy tăng trưởng 35%, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,45 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sử dụng bao bì giấy có dư địa tăng trên 10%, sử dụng giấy và bìa giấy gia công xuất khẩu mạnh do có nhiều năng lực đầu tư mới đưa vào sản xuất trong năm 2019.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018. EU luôn được đánh giá là thị trường “màu mỡ” đối với các sản phẩm tiêu dùng nói chung, do đó, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất.

Bên cạnh đó, khả năng Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong ngành giấy Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ…

Chính vì vậy VPPA kiến nghị, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 01/01/2019 giúp cho ngành giấy phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững; Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được./.

Nguồn VPPA

Other news

0981 254 688 - 08 6998 1086