Article
Home / Article

Ngành sản xuất giấy: Muốn phát triển cần đầu tư vào công nghệ

Ngành giấy Việt Nam trước bài toán về công nghệ

Một sự thật hiện nay là các nhà máy nhận vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cũng chưa thể đáp ứng về mặt công nghệ. Gần đây, một nhà máy giấy có vốn đầu từ 5.000 tỉ đồng với công suất dự kiến lên đến 200.000 tấn/năm bị phát hiện bỏ hoang ở Quảng Ngãi. Theo kết luận của thanh tra, toàn bộ trang thiết bị và công nghệ của nhà máy này được chuyển giao từ một nhà máy thanh lý tại Canada năm 2007 nên không sử dụng được. Trước đó, một nhà máy với vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng ở Long An không thể đi vào hoạt động do nhiều trục trặc trong quá trình 9 năm xây dựng. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tốn nhiều thời gian và kinh phí nhưng vẫn không thể cứu được nhà máy do công nghệ không phù hợp.

Theo báo cáo của VCCI, 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao và công nghệ lạc hậu. Ngành giấy cũng gặp phải tình trạng tương tự. Dựa trên thống kê của VPPA – Hiệp hội giấy và Bột giấy Việt Nam, doanh nghiệp làm giấy ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công nghệ sản xuất đã lỗi thời, trong khi máy móc không đạt yêu cầu về chất lượng nên rất "ngốn" năng lượng. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy không có khả năng xử lý nước thải. Do hạn chế công nghệ, nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất phải thực hiện thủ công, làm giảm năng suất lao động và tăng rủi ro sai sót trong kỹ thuật.

Công nghệ hiện đại – chìa khóa vạn năng cho ngành sản xuất

Đối với sự phát triển của một nhà máy giấy, công nghệ là yếu tố có tầm ảnh hưởng quyết định. Những tập đoàn giấy lớn trên thế giới như International Paper, Procter & Gamber, Kimberly-Clark, Stora Enso, Oji Paper… luôn tập trung đầu tư công nghệ kỹ thuật cao. Các doanh nghiệp này luôn lựa chọn công nghệ cao từ những đơn vị cung cấp thiết bị ngành giấy và bột giấy hàng đầu như: Andritz, Kadant Lamort, Eimco, GL&V, Voith, ABB, KBC, Valmet,… nhằm tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, đồng thời tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường. Điển hình như công nghệ CHP - nhiệt điện kết hợp giúp tiết kiệm khoảng 10-20% nhiên liệu và 30% năng lượng so với công nghệ truyền thống. Hay Valmet IQ - giải pháp quản lý chất lượng đo lường được và trên dây chuyền để tối ưu hoá các quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm cuối cùng…

Hiện nay tại Việt Nam chưa có nhiều nhà máy có khả năng đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, trừ một số nhà máy có quy mô lớn, đa phần là các doanh nghiệp FDI. Tuy chưa có thời gian hoạt động lâu dài nhưng các nhà máy này có vốn đầu tư mạnh cùng kinh nghiệm đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất giấy, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại nhanh chóng. Lee & Man là một ví dụ vì ngay khi khởi công tại Hậu Giang, nhà máy giấy này đã chi hơn 650 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại thế giới từ những nhà cung cấp thiết bị sản xuất giấy hàng đầu như Cộng hòa Áo, Thuỵ Điển, Mỹ, Đức,… Dây chuyền này có công suất lên 420.000 tấn/năm và được dự định sẽ nâng lên 1.420.000 tấn/năm. Việc tự động hóa hệ thống cũng giúp nhà máy tiết kiệm đáng kể nước và nhiên liệu. Đại diện công ty Lee & Man Việt Nam cho biết, tất cả các thiết bị của nhà máy đều mới 100%, được nhập trực tiếp từ Châu Âu và các nước khu vực G7.

Bên cạnh đó, Lee & Man còn đầu tư một lò hơi công suất 250T/h, 1 tuabin công suất 50MW, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn và công nghệ xử lý khí thải lưu huỳnh bằng đá vôi, lọc bụi bằng túi vải, hệ thống xử lý NOx trong khí thải nhà máy nhiệt điện nhằm tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời bảo vệ môi trường. Nhờ vậy mà các thông số về môi trường của nhà máy đều đạt chuẩn của nhà nước, chất lượng nước thải sau xử lý cũng tốt hơn các công ty trong tỉnh và các nhà máy giấy khác.

Trong "Quy hoạch phát triển ngành giấy ở Việt Nam đến năm 2020", nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, tái sử dụng nước, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết.

Other news

0981 254 688 - 08 6998 1086